Thú chơi tranh tết của người Việt
Không chỉ chăm lo một cái Tết đủ đầy với các món ăn truyền thống và mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, người Việt còn đón Tết, chơi Tết bằng muôn vạn sắc hoa cây cảnh. Yêu hoa, yêu tranh là cái thú văn hóa lâu đời của người Việt Nam.
Một trong những cái thú của người Việt vào mỗi độ Tết đến Xuân về là đến những vườn quất, vườn mai, vườn đào nổi tiếng và những hội hoa Xuân để ngắm hoa và tìm mua cho mình những cành, những cây vừa ý, những bức tranh hoa đào, tranh dân gian… bày chơi ngày Xuân.
Về thú chơi tranh dân gian có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” ý nói đến những thú chơi hàng đầu trong dịp Tết truyền thống của người Việt tự bao đời nay. Chơi tranh Tết nổi bật nhất phải kể đến các dòng tranh dân gian như tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế), và mới nhất là tranh sơn dầu… Tranh dân gian có thể chơi quanh năm nhưng thịnh hành nhất là trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ðó cũng là một phong tục đẹp lâu đời của dân tộc ta. Không có tài liệu chính xác ghi song nhiều người cho rằng chơi tranh Tết đã có từ rất sớm, từ thời Lý, thời Trần. Mỗi độ Tết đến xuân sang, nhân dân ta lại đi chợ mua những bức tranh tươi sáng rực rỡ, mang về gỡ tranh năm cũ ra, treo tranh mới vào, với hàm ý “tống cựu – nghinh tân”, xua đi những rủi ro, bất hạnh, đón vinh hoa phú quý vào nhà.
Chơi Tranh Tết đã có từ bao nhiêu thế kỷ nay, qua bao nhiêu thế hệ người Việt. Trong làn khói hương trầm bảng lảng, bên cành đào, cây quất ngày xuân, hình ảnh những bức tranh thấm đượm hồn Việt được treo ở ví trị trang trọng thật là đẹp. Dù cho nhịp sống ngày một hiện đại, con người ta vẫn không quên cái thú đi ngắm tranh, thưởng thức nghệ thuật, tìm mua những bức vẽ hài hòa để trưng bày trong nhà, để biếu tặng nhau tỏ tấm lòng thành. Với ý nghĩa đó, thú chơi tranh là một nét đẹp văn hóa quý báu, xứng đáng được tôn vinh, đồng thời bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau.